Những lưu ý quan trọng trong xây dựng lăng mộ

Những lưu ý quan trọng trong xây dựng lăng mộ

Thứ Sun,
14/02/2016
0

Những lưu ý quan trọng trong xây dựng lăng mộ

Xây dựng lăng mộ là những công việc quan trọng trong đời sống tâm linh của người việt.Sau khi đã chọn được thời gian và vị trí, việc tiếp theo chính là tiến hành cải táng và di dời mộ sang cuộc đất mới. Trong quá trình này, yếu tố phong thủy vẫn rất quan trọng, đặc biệt là tính toán độ sâu khi đặt mộ. Thường thì trong lòng đất sẽ có những nơi hội tụ nhiều sinh khí, đặt hài cốt đúng vị trí này là tốt nhất, giúp người chết an nghỉ ngàn thu cũng như mang lại phúc lành cho con cháu.Quá trình này cần có một vài lưu ý quan trọng

*Xem mẫu mộ đá để xây dựng lăng mộ bền vững

* Độ sâu khi đào huyệt mộ để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến “long mạch”

Nhà nghiên cứu Bùi Quốc Hùng giúp một gia chủ phân kim điểm hướng

Những việc cần làm trước khi bốc mộ

Thông thường sau khi chọn được ngày bốc mộ, người ta cũng xem giờ bốc mộ cho thân chủ. Tùy theo giờ tốt mà bốc nhưng tất cả cùng phải tuân thủ một nguyên tắc chung là bốc mộ phải làm vào ban đêm. Việc này nhằm tránh cho xương cốt gặp ánh sáng sẽ bị đen đi. Khi bốc mộ, người ta thường đào lớp đất ở phía trên trước, sau đó đúng giờ tốt mới bắt đầu mở tấm ván thiên (tấm ván trên nóc quan tài). Trước khi tiến hành bốc mộ, người nhà phải có làm một cái lễ tại gia tiên để trình báo tổ tiên. Tại nơi bốc hài cốt ngoài nghĩa trang cũng phải có một cái lễ trình Quan Thần Linh sở tại. Thông thường là một bộ đồ Quan Thần Linh (áo, mũ, ủng), ngựa và 1000 vàng hoa màu đỏ, giấy tiền vàng bạc, trầu cau, rượu, thuốc, đèn nến, gạo muối. Nhiều nhà còn cúng thên tam sên (trứng vịt luộc, thịt lợn luộc và một nhúm tôm khô bóc vỏ), xôi, gà trống luộc nguyên con…

Vật dụng cần thiết cho quá trình bốc mộ là một cái tiểu sành, một cái quách đặt làm sẵn, một miếng vải đỏ (tốt nhất là mua thêm một tấm “mền Quang Minh”, có bán tại khu vực chùa Quán Sứ giá khoảng 80.000 đồng), một vài tấm ni lông, giấy trang kim, một tấm bạt và chiếc bàn thấp để làm lễ, vài chai rượu nặng và vài chục lít nước vang. Một vài cái xô, chậu nhựa để rửa xương. Người ta cũng chặt sẵn một vài đoạn thân cây chuối dùng để cắm nhang. Phần lớn việc bốc mộ diễn ra vào lúc nửa đêm, tuy nhiên tốp thợ thường phải thức trọn đêm cùng gia chủ làm công việc chuẩn bị như cúng bái và chuyển hài cốt sang mộ mới. Trung bình để bốc xong một ngôi mộ, mỗi tốp thợ phải làm việc liên tục hơn một tiếng đồng hồ. Trước khi đào, họ phải xác định vị trí huyệt thật chính xác, nhiều ngôi mộ do chôn thời gian lâu, quá trình tu sửa bị sai lệch vị trí so với ban đầu, nếu không biết cách sẽ phải đào rất vất vả, có khi đào nhầm sang mộ bên cạnh. Công việc bốc mộ thường là do những người chuyên môn bốc mộ đảm nhiệm. Khi ván thiên được cậy ra, người ta phải đổ vài chai rượu có nồng độ cao vào quan tài để tảy rửa âm khí, cũng nhiều nơi người ta dùng một cây chổi to làm bằng lá hương nhu đốt cháy và khua xung quanh quan tài để trừ âm khí. Sau đó mới tiến hành lấy cốt. Nhiều khi gặp trường hợp hài cốt chưa phân hủy hết, người ta phải dùng  dao dóc những mảnh thịt còn lại và đem rửa bằng nước vang. Sau khi nhặt hết cốt, rửa sạch thì trải tấm ni lông hay giấy trang kim ở dưới, tấm vải đỏ ở trên và lần lượt xếp xương theo thứ tự của người. Riêng sọ phải dùng trà hoặc vải kê để cho mặt hướng lên trên. Những người bốc mộ có kinh nghiệm phải biết cài 2 ống xương chân theo chiều dọc tiểu thật chắc chắn rồi mới tới 2 ống xương tay, xương sườn phải xếp thành vòng cung.  Mọi thứ xương phải kiểm tra cho đủ, không được phép thiếu. Sau khi hoàn tất, người ta phủ tấm “mền Quang Minh” lên trên và đóng nắp tiểu lại. Từ khi đóng nắp tiểu lại thì không được mở nắp ra nữa vì sợ ánh sáng lọt vào.

Tính toán độ sâu đặt mộ

Trước khi đặt mộ phải tiến hành phân kim điểm hướng để chọn hướng tốt nhất. Tuy nhiên đây là công việc phức tạp cần sự hiểu biết của nhà phong thủy. Vì vậy ở đây chỉ xin nói về việc tính toán độ sâu khi đặt mộ. Trong phong thủy âm trạch chia ra các kiểu huyệt như sau:

Thạch huyệt: Là huyệt mộ ở trong đá, chọn chỗ đá mềm và ấm, dễ đào khoét hoặc chỗ đá có màu tím hay trắng thì được coi là “cát huyệt”. Nếu đất đá cứng, khô, lạnh lẽo thì là “hung huyệt”. Thạch huyệt mềm, khoét sâu 20-30 cm (nhiều nhất là 40 cm), sau đó để tiểu vào và lấy đất liền thổ (đất tốt, sạch) lấp lại, cuối cùng là đắp thành nấm. Nếu khoét sâu quá sẽ bị thoát khí.

Thổ huyệt: Là huyệt mộ trong đất, chọn chỗ đất có chất mịn, hạt nhỏ, chắc chắn (nếu quá ẩm, thấp, tơi tả là hung). Chọn chỗ đất có màu hồng, màu vàng, có ánh kim là tốt. Lưu ý là huyệt phải đào sâu đến mạch khí mới tốt. Thổ huyệt gồm 3 loại đất: phù thổ, thực thổ, huyệt thổ. Phù thổ là lớp đất mặt trên cùng của huyệt mộ. Thực thổ là phần đất ở sau lớp phù thổ, ta hay gọi là đất liền thổ. Huyệt thổ là lớp đất dưới lớp thực thổ. Đây chính là vùng đất tích tụ sinh khí của Long mạch, quý báu như ngọc trong đá. Vì vậy khi đào huyệt nhất thiết phải đào đến lớp huyệt thổ nhưng cũng tuyệt đối không được đào xuyên qua lớp đất huyệt thổ. Lý do là vì lớp đất này tàng trữ sinh khí, nếu chưa đào đến lớp đất này thì chưa lấy được khí mạch rót vào huyệt, còn nếu đào xuyên qua sẽ làm tổn thương Long mạch, thậm chí cắt đứt Long mạch. Trường hợp đào xuyên qua thổ huyệt không còn là táng nữa mà chính là hiện tượng trấn yểm, cắt đứt Long mạch. Do vậy khi lấy chiều sâu của huyệt phải hết sức thận trọng, đòi hỏi phải có sự tinh thông về thổ huyệt.

Để phân biệt được thổ huyệt phải căn cứ vào loại Long mạch, màu sắc cũng như đường vân của thớ đất. Đường vân của thổ huyệt thường có nhiều dạng như hình thái cực, như vân của vỏ ốc, hoặc như lỗ vuông của đồng tiền cổ hoặc có những sợi ánh vàng, đỏ xen nhau. Khi đào đến huyệt thổ hoặc nghi ngờ đó là huyệt thổ, ta phải bốc một ít đất và dùng tay vê thử, nếu đất thành viên tròn thì đó chính là chân thổ, có thể cho đào sâu xuống nữa. Lưu ý cố gắng đào với diện tích hết sức nhỏ, chỉ vừa đủ đặt quách và tiểu là tốt nhất, đào lớn quá sẽ gây đứt Long mạch. Nếu đào tới độ sâu mà không thể vê đất thành viên được tức là lúc đó phần đất huyệt thổ đã hết. Như vậy chúng ta thấy rằng khi táng, quách phải nằm trọn trong lớp đất huyệt thổ và lỗ đào không quá lớn để không làm tổn thương Long mạch. Do vậy, người ta cũng không có công thức chung cho độ sâu của huyệt mộ, chỉ có thể ngồi tại chỗ và quan sát các tầng đất để có thể đặt quách và tiểu nằm lọt vào trong lớp đất huyệt thổ. Thông thường làm mộ đúng trong thời gian từ Trung Thu đến ngày Đông Chí thì lớp đất huyệt thổ chỉ còn sâm sấp một lớp nước mỏng (trừ trường hợp riêng biệt như tôi từng gặp vừa rồi, do người ta tát cả một cái hồ lớn và xả nước ra khu vực mộ).

Một số lưu ý quan trọng khi xây mộ

Khi xây dựng huyệt mộ, người ta chỉ xây ở xung quanh bằng gạch chỉ và phần dưới cùng, đất phải để nguyên đất huyệt thổ, không được trát vữa hay đổ bê tông vào lòng huyệt. Bởi làm như vậy sẽ ngăn cản địa khí không nhập vào huyệt mộ được. Dưới đáy huyệt phải đánh độ dốc khoảng 3 độ từ đầu tới chân (đầu cao hơn chân).Nếu xây mộ đá thì có thể đổ thêm giằng bê tông cốt thép để vững hơn.

Khi đào huyệt mộ chẳng may gặp phải đất là huyệt hung táng đã cải đi rồi, tốt nhất là tránh ra chỗ khác. Trường hợp bất khả kháng, người ta phải đào hết đất cũ đi đến phần đất liền thổ rồi đặt quách và tiểu chìm hẳn vào lớp đất liền thổ đó. Sau khi lấp huyệt phải dùng đất sạch (tốt nhất là đất phù sa sông) để lấp. Kinh nghiệm  là trong quá trình lấp đất vào huyệt mộ, lớp đầu tiên dùng cát để cố định quách không cho dịch chuyển sau khi đã phân kim – điểm hướng. Lấp khoảng 1/3 chiều cao của quách mới cho đất mịn xuống tiếp cho đến khi ngang mặt trên của quách. Tiếp sau đó mới cho đất cục lớn và lấp dần tới cách mặt đất khoảng 40 cm. Lúc này phải cho một lớp cát có chiều dày khoảng 10 – 15 cm phủ lên trên. Mục đích của lớp cát này là để chống mối không cho ăn vào quách. Khi những con mối đào hang tới lớp cát sẽ bị cát sụt xuống làm sập lỗ đào, khiến con mối đó bị giữ lại và chết trong lớp cát đó. Lưu ý là sau khi hạ quách xuống, phải cho tấm bia cũ ở mộ hung táng xuống phía chân quách.

Trên tiểu và quách, người ta thường làm những hoa văn phía đầu và chân khác nhau. Phía đầu có chữ Phúc hình tròn, phía chân chữ Phúc hình vuông. Dân gian thường nói: “Đầu tròn – Đít vuông” cho dễ nhớ. Vì vậy cần lưu ý điều này khi đặt tiểu vào trong quách và khi đặt quách xuống huyệt mộ để không bị nhầm lẫn

                                                                                                                                                             D:HD tổng hợp

 
Gửi bình luận:
icon icon
popup

Số lượng:

Tổng tiền: